PHÁP
Được xem như một biểu trưng của nền văn minh nhân loại, một quốc gia đại diện cho tư tưởng ‘tự do, bình đẳng, bác ái’ tại thời điểm ấy, đế quốc Pháp rộng lớn trở thành địa điểm đầu tiên của người Cha già dân tộc trên con đường cứu nước. Người biết rằng để thắng được kẻ thù thì phải hiểu kẻ thù; vì vậy, Người ra sức quan sát, phân tích và chiêm nghiệm tất cả thông tin về thế giới và chủ nghĩa tư bản, từng bước nắm rõ những hoạt động và đường lối lãnh đạo phù hợp để một ngày khi những kiến thức đã được vun trồng kỹ càng, Người sẽ trở về, đưa niềm hy vọng độc lập đến quê nhà.
Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở về Paris sau một thời gian sinh sống và làm việc tại các nước châu Phi, Mỹ và Anh. Cũng vào thời điểm này, các hoạt động chính trị được Nguyễn Tất Thành chú trọng rất nhiều. Bác gia nhập Đảng Xã hội Pháp vào đầu năm 1919, đấu tranh cùng giai cấp công nhân Pháp và thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ Phôbua - nơi diễn ra các cuộc thảo luận về những vấn đề lớn nhỏ. Vào Đại hội lần thứ 18 năm 1920 của Đảng Xã hội Pháp, Người trở thành người đồng sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Hoạt động tích cực ở Pháp là thế, song Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không quên sự đối đãi tàn nhẫn của thực dân Pháp ở Việt Nam. Điều này là bước đầu cho việc Văn Ba luôn kiên quyết lên án chủ nghĩa thực dân và sự xâm lược của Pháp ở Việt Nam. Thông qua báo chí và các diễn đàn công khai, Người đã tìm mọi cách để nhân dân Pháp và nhân dân thế giới biết đến những tội ác không thể tha thứ của các nước thực dân đã gây nên ở các thuộc địa. Tinh thần đấu tranh bền bỉ, không khoan nhượng của Nguyễn Ái Quốc đã góp phần làm nên sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên quy mô toàn thế giới.